Chương trình giáo dục thế giới trong 10 năm tới sẽ tập trung dạy thói quen?

"Thói quen quyết định thành công và việc chuyển hướng sang dạy thói quen sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho công việc trong thế kỷ 21 này", đó là chia sẻ của Tiến sỹ Pramath Raj Sinha tại sự kiện giáo dục Dare to learn 2018 tổ chức tại Phần Lan hồi giữa tháng 9 vừa qua.

Mở đầu bài phát biểu "Thay đổi giáo dục để đạt thành công trong thế kỷ 21", tiến sỹ Pramath- người sáng lập trường Kinh doanh Ấn Độ, trích dẫn lời của nhà văn người Mỹ Octavia Estelle Butler: "Trước tiên mọi người hãy quên từ "cảm hứng" đi. Thói quen đáng tin cậy hơn. Thói quen sẽ dẫn chúng ta đi tiếp cho dù có được truyền cảm hứng hay không. Thói quen luôn bền vững".

Theo tiến sỹ Pramath, người cũng nổi tiếng là một nhà kinh doanh thành đạt, nền kinh tế hiện đại đang thay đổi, vậy nên nền giáo dục trong 10 năm tới sẽ phải đáp ứng được 3 tiêu chí: giúp con người có cơ hội học tập trọn đời, dạy người học cách học tập hiệu quả, và tập trung dạy thói quen hơn là dạy chuyên môn.

 

Tiến sỹ Pramath Raj Sinha tại sự kiện giáo dục Dare to learn 2018 tổ chức tại Phần Lan

Tiến sỹ Pramath Raj Sinha tại sự kiện giáo dục Dare to learn 2018 tổ chức tại Phần Lan

 

Ông dẫn chứng câu nói của kỹ sư nổi tiếng người Mỹ Charles Noble "Chúng ta tạo ra thói quen, sau đó thói quen sẽ định hình chúng ta".

Do vậy, tiến sỹ Pramath nhấn mạnh trường học cần phải giúp hình thành và phát triển được các thói quen cho học sinh, tập trung vào 5 kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21 bao gồm: Tư duy -> Giải quyết vấn đề -> Truyền đạt -> Hợp tác -> Phát triển.

Với kỹ năng tư duy, ông Pramath cho rằng học sinh sẽ phải được hướng dẫn thói quen tư duy phản biện, học tập hiệu quả, suy luận logic, tự đánh giá mình và "giải mã" được người khác.

Với kỹ năng giải quyết vấn đề, ông Pramath nhấn mạnh rằng đây là kỹ năng quyết định thành công của con người trong thế giới VUCA (VUCA là một thuật ngữ phổ biến trong giới kinh doanh, đặc biệt với những nhà quản lý. VUCA là tên viết tắt của các từ trong quan điểm cho rằng kinh doanh luôn phải đối mặt với nhiều biến động - Volatility, bất định - Uncertainty, phức tạp - Complexity và mơ hồ - Ambiguity).

Với kỹ năng này, tiến sỹ Pramath đề cập đến 5 thói quen cần xây dựng cho người học bao gồm: Nhận biết vấn đề, cấu trúc lại vấn đề, phân tích, đưa ra quyết định, và kiến tạo giải pháp.

Kỹ năng truyền đạt thông tin cũng là một kỹ năng quan trọng. Để xây dựng kỹ năng này, chúng ta phải tạo được các thói quen: Lắng nghe, đọc sâu, viết thành thạo, nói thuyết phục, và xây dựng phong cách, ông Pramath nói.

Bên cạnh đó, để tạo dựng được một nghề nghiệp tốt, chúng ta phải học cách hợp tác với người khác. Và để rèn luyện kỹ năng hợp tác, ông Pramath đề cập đến việc xây dựng niềm tin, tạo dựng các kênh kết nối, học cách quản lý nhóm, đàm phán thông minh, và tìm hiểu nơi làm việc.

Trong một bài phỏng vấn năm ngoái trên tờ India Today về triết lý giáo dục khai phóng đang được áp dụng tại trường ĐH Ashoka, ông Pramath với tư cách là Người đồng sáng lập và Ủy viên quản trị của trường nhấn mạnh rằng ở thế kỷ 21 sẽ không ai chỉ làm một công việc trong cả đời, vậy nên các trường học, đặc biệt các trường ĐH phải chuẩn bị hành trang tốt cho sinh viên ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu các môn học.

"Sinh viên phải có cơ hội linh động khám phá nhiều môn học," ông nói, "và với tất cả các môn học, giáo dục khai phóng sẽ tạo điều kiện phát triển tư duy phản biện cho người học, giúp họ nhận biết các vấn đề, bóc tách ở nhiều khía cạnh và giải quyết chúng thông qua việc hợp tác nhóm".

Khi viết về việc tạo dựng thành công trong thời đại công nghiệp 4.0, tiến sỹ Pramath cũng đề cập đến việc tập thói quen để phát triển các kỹ năng đáp ứng các yêu cầu của các nhà tuyển dụng tương lai. Theo ông, một tấm bằng loại ưu và kiến thức chuyên môn giỏi sẽ không đủ để đảm bảo một ứng viên sẽ làm việc tốt và sẽ tìm được việc như ý.

"Điều cốt lõi mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên là khả năng giải quyết các vấn đề, vốn đang ngày càng trở nên phức tạp, mơ hồ, khó định hình và khó đoán trước," ông Pramath giải thích. "Việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi chuyên môn của nhiều lĩnh vực, và thậm chí đôi khi việc nhận biết các vấn đề này cũng cần đến chuyên môn của nhiều lĩnh vực".

Tiến sỹ Pramath đưa ra ví dụ về một kỹ sư xây dựng cầu dân dụng sẽ không phải chỉ được yêu cầu đưa ra giải pháp kỹ thuật đơn thuần. Anh ta cũng cần phải biết tính toán và đánh giá nhiều khía cạnh quan trọng liên quan như tác động môi trường, lưu lượng xe cộ, sự ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, những yêu cầu của lãnh đạo, và chi phí của dự án.

"Và các nhà quản lý tương lai thường trông đợi nhiều giải pháp cho một vấn đề. Họ biết sẽ không có giải pháp nào hoàn toàn đúng. Chúng ta không bao giờ có thể giải quyết triệt để một vấn đề chỉ với một giải pháp. Thậm chí 8 trong 10 giải pháp bạn đưa ra có thể không thực hiện được, nhưng chỉ cần có vài giải pháp có tiềm năng là được rồi".

Tiến sỹ Pramath chỉ ra rằng hệ thống giáo dục hiện tại thường cho điểm câu trả lời đúng. Nhưng việc tạo thói quen tư duy phản biện, tìm hiểu vấn đề ở nhiều khía cạnh và đưa ra nhiều giải pháp mới là hướng đi đúng trong tương lai.

"Một điều đáng ghi nhớ nữa khi giải quyết một vấn đề là việc cố tìm ra giải pháp là không đủ. Bạn sẽ không thể chỉ rõ được vấn đề và khiến mọi người làm theo bạn nếu bạn không truyền đạt tốt. Vậy nên kỹ năng truyền đạt đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ giải quyết vấn đề", ông nói thêm.

Và khả năng tiếp cận, giải quyết các vấn đề một cách chủ động có thể được xây dựng thành thói quen. Thói quen này cần được nỗ lực thực hành thường xuyên cho đến khi nó trở thành một hành động trực giác", ông Pramath nhấn mạnh.

Phong Lan

(Từ Helsinki, Phần Lan)